Công tắc tơ (Contactor) là khí cụ điện dùng để đóng, ngắt thường xuyên các mạch điện động lực, từ xa, bằng tay (qua hệ thống nút bấm) hoặc tự động. Việc đóng cắt công tắc tơ có tiếp điểm có thể được thực hiện bằng nam châm điện, thủy lực hay khí nén. Thông thường ta gặp loại đóng cắt bằng nam châm điện.
Những năm gần đây người ta đã chế tạo loại công tắc tơ không tiếp điểm, việc đóng ngắt công tắc tơ loại này được thực hiện bằng cách cho các xung điện để khóa hoặc mở các van bán dẫn (thyristor, triac). Công tắc tơ có tần số đóng cắt lớn, có thể tới 1800 lần trong một giờ.
Cấu tạo của Công Tắc Tơ (Contactor)
Nguyên Lý Làm Việc:
Khi cuộn hút của công tắc tơ chưa được cấp điện, lò so hồi vị (6) đẩy lõi thép động (2) cách xa khỏi lõi thép tĩnh (1). Các cặp tiếp điểm chính (3) ở trạng thái mở, cặp tiếp điểm thường mở của tiếp điểm phụ (4) ở trạng thái mở còn cặp tiếp điểm thường đóng của tiếp điểm phụ (4) ở trạng thái đóng.
Khi đặt vào hai đầu cuộn hút một điện áp xoay chiều có trị số định mức. Dòng điện xoay chiều trong cuộn hút sẽ sinh ra một từ thông móc vòng qua cả hai lõi thép và khép kín mạch từ. Chiều và trị số của từ thông sẽ biến thiên theo chiều và trị số của dòng điện sinh ra nó, nhưng xét tại một thời điểm nhất định thì từ thông đi qua bề mặt tiếp xúc của hai lõi thép là cùng chiều nên sẽ tạo thành ở 2 bề mặt này hai cực trái dấu của nam châm điện N-S (cực nào có chiều từ thông đi vào là cực Nam còn cực nào có chiều từ thông đi ra là cực Bắc).
Kết quả là lõi thép động sẽ bị hút về phĩa lõi thép tĩnh và kéo theo tay đòn (5), làm cho các tiếp điểm chính (3) và tiếp điểm phụ (4) đang ở trạng thái mở sẽ đóng lại, tiếp phụ (4) còn lại đang ở trạng thái đóng sẽ mở ra.
Khi cắt điện vào cuộn hút, lò xo hồi vị (6) sẽ đẩy lõi thép động (2) về vị trí ban đầu.